Trần Đức Việt - hay còn gọi là JVevermind - không chỉ là một nhân vật nổi tiếng với giới trẻ, mà ở chàng trai 28 tuổi luôn tạo được sự bất ngờ với cách nhìn mới mẻ và đa chiều về những trải nghiệm trong cuộc sống.
Steve Jobs truyền nhiều cảm hứng cho tôi
Việc đọc sách đã giúp hay ảnh hưởng đến anh ra sao?
- Khi đọc sách hay một nội dung nào đó, thứ nhất tôi có thể học cách tác giả truyền tải nội dung qua chữ và qua nói khác nhau như thế nào. Thứ hai, sách giúp trí tưởng tượng và tư duy của tôi phong phú hơn vì phải tự nghĩ, tự hình dung về ý đó theo hướng nào. Sách đã giúp tôi có một hệ thống, tạo ra các luận điểm và cấu trúc chắc chắn, không bị thừa.
Sách mang tính chiêm nghiệm trong một khoảng thời gian dài. Còn những gì tôi đang làm là ngay lập tức. Tuy nhiên đó chỉ là bề ngoài, bên trong vẫn cần một nền tảng để mình nghiên cứu, xây dựng và tìm hiểu sâu đến mức độ nào. Việc đọc sách giúp tôi có cách hành văn, nghiên cứu sâu hơn, tìm điểm khai thác, chọn lời nói mình dùng, cách mình hành xử ra sao để cuốn hút người nghe…
Anh có thể kể tên những cuốn sách hữu dụng với anh trong cuộc sống?
- Tôi khá thích cuốn tiểu sử về Steve Jobs. Bản thân ông cũng là người truyền khá nhiều cảm hứng cho tôi. Steve Jobs dám làm, là người đầu tiên làm và có sự sáng tạo đủ lớn để khiến nó thực sự xảy ra.
Tôi nhớ 2 giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của Steve Jobs. Trong giai đoạn chuẩn bị mất, ông nói tiền bạc, vật chất, sự thành công, hào nhoáng… đến cuối đời không có nhiều ý nghĩa, quan trọng là đối nhân xử thế và những mối quan hệ xung quanh mình có giá trị đến mức nào. Đây cũng là triết lý sống mà nhiều người đã đúc kết.
Phần tôi thích hơn là trong giai đoạn ông tung hoành khi còn trẻ và đang thực hiện hoài bão. Ông nói, cuộc sống là tập hợp của tất cả những con người quanh ta, những người cũng giống bản thân bạn và không hề thông minh hơn bạn tưởng, và bạn có thể tạo ảnh hưởng lên họ. Đến lúc nhận ra điều này, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát, thay đổi được cuộc sống.
Anh thường đọc loại sách nào?
- Tôi thường đọc sách triết học nhưng theo kiểu nhặt nhạnh chứ không theo bất cứ triết gia nào. Về cơ bản, tôi quan tâm đến mọi thứ trong cuộc sống. Với dạng sách này, tôi thích cách các nhà triết học điều khiển được tâm trí. Đó là những chiêm nghiệm trong cuộc sống dưới góc nhìn của một triết gia. Khi đọc, tôi hiểu ra góc nhìn đó, biết cách áp dụng vào cuộc sống, biết đặt tư duy đúng hoàn cảnh.
Nói chuyện với mọi người về những chủ đề hay nội dung tôi quan tâm mà người đó cũng hiểu sâu sắc sẽ dễ đào sâu, hiểu sâu vấn đề hơn.
Anh đã từng gặp “đối thủ cân não” chưa?
- Tôi không nghĩ đó là đối thủ mà chỉ là chiêm nghiệm của mỗi người. Mỗi người sẽ trải qua những thăng trầm lên xuống khác nhau trong cuộc sống, nên sẽ có những trải nghiệm đối mặt với sự thất bại khác nhau.
Tôi cũng đối mặt với rất nhiều những nghi ngờ, thất bại, hào nhoáng… và cũng đúc kết ra kinh nghiệm riêng của mình, nên để so sánh thì không có, nhưng để cùng chia sẻ và hiểu thêm vấn đề của nhau có lẽ quan trọng hơn. Chúng khiến tôi phần nào hiểu thêm trải nghiệm của người khác, từ đó rút ra bài học riêng cho mình.
JVevermind: “Quan trọng nhất là đầu tư vào bản thân mình” |
Anh cảm thấy sách phản ánh được bao nhiêu phần cuộc sống?
- Sách là sự đúc kết kinh nghiệm, tuy nhiên người đọc có thể chưa nhiều trải nghiệm, nên việc hiểu từ sách cũng sẽ bị giới hạn. Có lẽ sách phản ánh 100% nhưng việc phản ánh không quan trọng bằng việc người đọc có hiểu cái phản ánh.
Cân bằng lý trí và tình cảm
Anh có thể mô tả một chút về con đường trước mặt?
- Tôi thấy khá chông gai, khó khăn. Thực sự tôi muốn theo đuổi con đường làm phim, nhưng đây là một con đường dài, có thể 10 năm, 20 năm là chuyện bình thường. Đạo diễn đến 40-50 tuổi mới có tên tuổi là chuyện bình thường. Điều quan trọng là tôi không biết mình có đủ bản lĩnh để theo đuổi nó lâu dài không.
Tôi cảm thấy mình là một người đa cảm nên bất cứ cảm xúc gì cảm thấy trong cuộc sống tôi đều muốn kể lại cho mọi người. Quan trọng nhất là truyền tải cảm xúc để người xem cảm nhận được câu chuyện.
Nhiều người hiện nay vẫn đang băn khoăn không biết nên theo đuổi tiền bạc hay tình yêu. Anh có câu trả lời cho vấn đề này giúp họ không?
- Tại sao không cân bằng cả hai? Đâu cần phải chọn? Quan trọng nhất vẫn là sự cân bằng và thế nào là vừa đủ.
Tôi có suy nghĩ khá đơn giản, đó là trong chuyện công việc hay tình cảm, quan trọng nhất vẫn là bản thân mình. Nên tập trung đầu tư vào bản thân mình: đầu tư vốn sống, sự trải nghiệm, kiến thức… thì tự nhiên những thứ khác sẽ đến.
Kim Sam
Phương pháp đọc sách của sinh viên đại học Nhật Bản
Có 3 điểm quan trọng mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng khi biết được phương pháp đọc sách của các sinh viên đại học Tokyo, Nhật Bản do nhà nghiên cứu, tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương giới thiệu.
0 nhận xét:
Post a Comment